DERMOVATE KREM – KEM BÔI ĐIỀU TRỊ BỆNH VẢY NẾN, VIÊM DA
1. THÔNG TIN THUỐC
<> Thành phần
- Clobetasol propionate 0,05% (kl/kl) và các tá dược như: Glyceryl monostearate, Cetostearyl alcohol, Chlorocresol, Natri citrate, Citric acid, nước tinh khiết, Arlacel 165, Beeswax substitute 6621, Propylene glycol…
<> Khối lượng: 15g
<> Xuất xứ: Anh
2. CHỈ ĐỊNH
Dermovate là corticosteroid dùng tại chỗ có hiệu lực rất cao, thuốc được chỉ định dùng cho người lớn, người cao tuổi và trẻ em trên 12 tuổi. Dermovate cream công dụng làm giảm các triệu chứng viêm và ngứa của các bệnh da đáp ứng với steroid bao gồm:
- Vảy nến (trừ dạng mảng lan rộng);
- Viêm da dai dẳng khó chữa;
- Lichen phẳng;
- Lupus ban đỏ dạng đĩa;
- Các bệnh da khác không đáp ứng với các steroid hiệu lực thấp hơn.
3. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG
<> Cách dùng
- Dạng kem bôi ngoài da Dermovate thích hợp cho các bề mặt da ẩm ướt hoặc rỉ dịch.
<> Liều dùng
- Bệnh nhân bôi một lớp thuốc mỏng và xoa nhẹ, vừa đủ phủ kín hoàn toàn vùng da bệnh, bôi thuốc 1 hoặc 2 lần mỗi ngày trong 4 tuần đến khi tình trạng da được cải thiện. Sau đó giảm số lần sử dụng thuốc hoặc chuyển sang điều trị bằng các thuốc có hiệu lực thấp hơn. Sau mỗi lần bôi kem bôi ngoài da Dermovate cần giữ cho thuốc đủ thời gian hấp thu vào da trước khi bôi đến các loại thuốc làm mềm da. Có thể lặp lại các đợt điều trị ngắn với kem bôi ngoài da Dermovate để kiểm soát các đợt bùng phát bệnh.
- Trong những trường hợp sang thương trên da khó chữa, đặc biệt khi có tăng sừng hóa, nếu cần có thể tăng cường tác dụng của kem bôi ngoài da Dermovate bằng cách băng kín vùng da đang điều trị bằng màng phim polythene. Thông thường, chỉ cần băng kín vùng da qua đêm là đủ mang lại đáp ứng mong muốn của thuốc, những lần sau đó chỉ cần bôi thuốc mà không cần băng kín vẫn có thể duy trì được sự cải thiện. Nếu tình trạng bệnh xấu đi hoặc không cải thiện trong vòng 2-4 tuần sử dụng kem bôi ngoài da Dermovate, bác sĩ nên đánh giá lại điều trị và chẩn đoán.
- Không kéo dài điều trị với kem bôi ngoài da Dermovate quá 4 tuần, nếu cần thiết điều trị tiếp tục nên sử dụng thuốc có hiệu lực thấp hơn. Lưu ý liều kem bôi ngoài da Dermovate mỗi tuần tối đa không quá 50g/tuần.
Viêm da cơ địa
- Khi đã kiểm soát được bệnh cần ngưng điều trị với kem bôi ngoài da Dermovate dần dần và tiếp tục duy trì bằng một thuốc làm mềm da khác. Các bệnh da có thể tái phát khi ngưng dùng kem bôi ngoài da Dermovate đột ngột mà không giảm liều dần dần.
Viêm da dai dẳng khó chữa
- Khi một đợt cấp đã được điều trị hiệu quả với corticosteroid tại chỗ dùng liên tục, bệnh nhân nên cân nhắc dùng liều ngắt quãng (ngày 1 lần, 2 lần/tuần, không băng kín) để làm giảm tần suất tái phát. Tiếp tục bôi thuốc tại các vùng da đã từng bị bệnh hoặc có thể bị tái phát kết hợp với thuốc làm mềm da bôi hàng ngày.
Liều dùng cho trẻ em
- Chống chỉ định dùng kem bôi ngoài da Dermovate cho trẻ dưới 12 tuổi do trẻ em thường bị các tác dụng không mong muốn tại chỗ và toàn thân hơn khi dùng thuốc corticosteroid tại chỗ, nhìn chung với trẻ em thường yêu cầu thời gian điều trị bằng thuốc ngắn hơn với các thuốc hiệu lực thấp hơn so với người lớn.
Liều dùng với người cao tuổi
- Không tìm thấy sự khác biệt nào về đáp ứng điều trị của thuốc Dermovate giữa những bệnh nhân cao tuổi với bệnh nhân trẻ tuổi. Nếu xảy ra hấp thụ toàn thân khi dùng kem bôi ngoài da Dermovate, quá trình thải trừ thuốc ở người cao tuổi có thể chậm hơn do tình trạng suy giảm chức năng gan hoặc thận. Nên sử dụng lượng kem bôi ngoài da Dermovate tối thiểu trong thời gian ngắn nhất để đạt được hiệu quả lâm sàng mong muốn.
Liều dùng cho bệnh nhân suy gan/thận
- Khi bôi thuốc trên diện rộng trong thời gian dài có thể dẫn đến hấp thu toàn thân, tình trạng suy gan/thận có thể làm chậm quá trình chuyển hóa và thải trừ thuốc, làm tăng nguy cơ độc tính toàn thân.
Điều trị quá liều Dermovate
- Trong trường hợp quá liều, nên ngừng sử dụng Dermovate dần dần bằng cách giảm số lần dùng thuốc hoặc thay thế bằng một corticosteroid có hiệu lực thấp hơn do có nguy cơ thiếu glucocorticosteroid.
- Các kiểm soát chuyên sâu hơn nên dựa theo chỉ định lâm sàng hoặc khuyến cáo của trung tâm chống độc quốc gia, nếu có.
<> Thận trọng
- Thận trọng khi sử dụng Dermovate ở bệnh nhân có tiền sử quá mẫn tại chỗ với corticosteroid hoặc với bất kỳ tá dược nào của thuốc. Các phản ứng quá mẫn tại chỗ (xem Tác dụng không mong muốn) có thể tương tự các triệu chứng của bệnh đang điều trị.
- Biểu hiện tăng cortisol (hội chứng cushing) và sự ức chế thuận nghịch trục dưới đồi tuyến yên tuyến thượng thận (HPA), dẫn tới thiếu glucocorticosteroid, có thể xảy ra ở một vài bệnh nhân do tăng hấp thu toàn thân steroid dùng tại chỗ. Nếu phát hiện thấy một trong các biểu hiện trên, ngừng dùng thuốc dần dần bằng cách giảm số lần bôi hoặc thay thế bằng corticosteroid có hiệu lực thấp hơn. Ngừng thuốc đột ngột có thể dẫn đến thiếu glucocorticosteroid (xem tác dụng không mong muốn).
Trẻ em
- Trẻ em dễ bị teo da khi dùng corticosteroid tại chỗ. Nếu cần dùng Dermovate cho trẻ em, khuyến cáo nên giới hạn điều trị chỉ trong vài ngày và kiểm tra hàng tuần.
Nguy cơ nhiễm trùng do băng kín
- Điều kiện ấm, ẩm tại các nếp gấp của da hoặc khi da bị băng kín tạo thuận lợi cho sự nhiễm khuẩn. Cần làm sạch da trước khi băng kín.
Điều trị vẩy nến
- Thận trọng khi dùng corticosteroid tại chỗ khi điều trị bệnh vảy nến vì đã có báo cáo một số trường hợp tái phát, tăng dung nạp, nguy cơ vẩy nến mụn mủ toàn thân và tăng độc tính toàn thân hoặc tại chỗ do hàng rào bảo vệ da bị tổn thương. Nếu dùng để điều trị vẩy nến, điều quan trọng là cần phải theo dõi bệnh nhân cẩn thận.
Nhiễm khuẩn kèm theo
- Nên dùng kháng sinh thích hợp khi các tổn thương viêm đang điều trị bị nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng lan rộng cần ngừng bôi corticosteroid tại chỗ và dùng kháng sinh thích hợp.
Vết loét mạn tính ở chân
- Corticosteroid tại chỗ đôi khi được sử dụng để điều trị viêm da quanh vết loét mạn tính ở chân. Tuy nhiên, việc sử dụng này có thể làm tăng xảy ra các phản ứng quá mẫn và nguy cơ nhiễm trùng tại chỗ.
Bôi thuốc trên mặt
- Không nên bôi thuốc trên mặt vì da vùng này dễ bị teo. Nếu sử dụng trên mặt, nên giới hạn điều trị chỉ trong vòng vài ngày.
Bôi thuốc trên mí mắt
- Nếu bôi thuốc vào mí mắt, cần thận trọng để thuốc không vào mắt vì tiếp xúc nhiều lần có thể dẫn tới đục thủy tinh thể và glaucoma.
<> Khả năng lái xe và vận hành máy móc
- Chưa có nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của Dermovate lên khả năng lái xe và vận hành máy móc.
<> Thời kỳ mang thai hoặc đang cho con bú
Khả năng sinh sản
- Không có dữ liệu đánh giá ảnh hưởng của corticosteroid tại chỗ lên khả năng sinh sản ở người.
Thời kỳ mang thai
- Dữ liệu về sử dụng Dermovate trên phụ nữ có thai còn hạn chế.
- Sử dụng corticosteroid tại chỗ trên động vật mang thai có thể gây bất thường đối với sự phát triển bào thai (xem Dữ liệu an toàn tiền lâm sàng).
- Mối liên quan của phát hiện này với người vẫn chưa được xác lập. Chỉ cân nhắc sử dụng Dermovate trong thai kỳ nếu lợi ích mong đợi cho mẹ vượt trội nguy cơ đối với thai nhi. Nên sử dụng lượng thuốc ít nhất trong thời gian điều trị ngắn nhất.
Thời kỳ cho con bú
- Việc sử dụng an toàn corticosteroid tại chỗ khi cho con bú chưa được thiết lập.
- Vẫn chưa biết liệu dùng corticosteroid tại chỗ có thể dẫn tới hấp thu toàn thân đủ để lượng thuốc bài tiết vào sữa mẹ có thể phát hiện được hay không.
- Chỉ nên cân nhắc sử dụng Dermovate trong thời gian cho con bú nếu lợi ích mong đợi cho mẹ vượt trội nguy cơ đối với trẻ.
- Nếu sử dụng trong thời gian cho con bú, không nên bôi Dermovate Cream vào bầu vú để tránh cho trẻ nuốt phải thuốc.
<> Tương tác thuốc
- Dùng đồng thời với các thuốc ức chế CYP3A4 (ví dụ: Ritonavir và Itraconazol) đã cho thấy ức chế chuyển hóa corticosteroid, dẫn tới tăng phơi nhiễm toàn thân. Mức độ tương tác có liên quan trên lâm sàng phụ thuộc vào liều dùng, đường dùng của corticosteroid và hiệu lực của thuốc ức chế CYP3A4.
4. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không điều trị kem bôi ngoài da Dermovate trong các trường hợp sau:
- Nhiễm khuẩn da chưa được điều trị;
- Bệnh trứng cá đỏ rosacea
- Mụn trứng cá;
- Ngứa nhưng không viêm;
- Ngứa quanh hậu môn và vùng sinh dục;
- Viêm da xung quanh miệng;
- Quá mẫn với kem bôi ngoài da Dermovate;
- Nhiễm virus;
- Nhiễm nấm;
- Bệnh vảy nến dạng mảng lan rộng;
- Trẻ em dưới 12 tuổi, kể cả mắc bệnh viêm da.
<> Bảo quản
- Bảo quản dưới 30°C.
5. TÁC DỤNG PHỤ
- Các tác dụng không mong muốn của thuốc (ADRs) được liệt kê dưới đây theo phân loại hệ thống cơ quan của cơ thể MedDRA và tần suất. Tần suất được xác định như sau: Rất phổ biến (>1/10), phổ biến (>1/100 và < 1/10), không phổ biến (>1/1.000 và < 1/100), hiếm (>1/10.000 và < 1/1.000) và rất hiếm ( < 1/10.000), bao gồm cả các báo cáo riêng lẻ.
Dữ liệu hậu mãi
Nhiễm trùng và nhiễm ký sinh trùng
- Rất hiếm: Nhiễm trùng cơ hội.
Rối loạn hệ miễn dịch
- Rất hiếm: Quá mẫn tại chỗ.
Rối loạn nội tiết
- Rất hiếm: Ức chế trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận (trục HPA).
Các đặc điểm giống hội chứng Cushing: (Ví dụ mặt tròn như mặt trăng, béo phì ở vùng trung tâm cơ thể), chậm tăng cân/chậm lớn ở trẻ em, loãng xương, glaucoma, tăng đường huyết/glucose niệu, đục thủy tinh thể, tăng huyết áp, tăng cân/béo phì, giảm nổng độ cortisol nội sinh, hói, tóc gãy rụng.
Rối loạn da và mô dưới da
- Phổ biến: Ngứa, đau da/bỏng da tại chỗ.
- Không phổ biến: Teo da*, rạn da*, giãn mao mạch*.
- Rất hiếm: Mỏng da*, da nhăn*, da khô*, thay đổi sắc tố da*, rậm lông, trầm trọng thêm các triệu chứng tiềm ẩn, viêm da tiếp xúc dị ứng/viêm da, vảy nến có mủ, ban đỏ, phát ban, mày đay, mụn trứng cá.
Rối loạn toàn thân và tại chỗ bôi thuốc
- Rất hiếm: Đau/rát chỗ bôi thuốc.
*Ảnh hưởng thứ phát trên da do tác dụng toàn thân và/hoặc tại chỗ của sự ức chế trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận (trục HPA).
Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
Bạn đang cần đặt câu hỏi về sản phẩm?